Thời gian qua có quá nhiều thông tin gây sốc cho người tiêu dùng về chất lượng nước uống đóng bình đóng chai: một số cơ sở sản xuất đã bị cơ quan chức năng kiểm tra và đình chỉ hoạt động; tình trạng không chỉ xảy ra ở TP.HCM, Thừa Thiên – Huế, Hà Nội mà tại nhiều địa phương khác cũng đã, đang và sẽ tiến hành kiểm tra mạnh trong lĩnh vực kinh doanh này. Tuy số đơn vị vi phạm chỉ chiếm một tỷ lệ nào đó, nhưng dư luận xung quanh vụ việc khiến cho các đơn vị làm ăn chân chính bị ảnh hưởng không ít. Từ góc độ của nhà tư vấn và cung cấp vật tư thiết bị chuyên ngành với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, chúng tôi muốn luận bàn về những yếu tố có thể tác động đến chất lượng nước đóng bình đóng chai. Quy trình xử lý nước nguồn để sản xuất thành nước uống tinh khiết đóng bình đóng chai phải như thế nào? Một quy trình chuẩn phải bao gồm các công đoạn như sau: - Sơ lọc: gồm 2-3 cấp lọc hóa lý tùy theo chất lượng nước nguồn; có nhiệm vụ nâng pH – khử sắt, mangan và các chất ô nhiễm – khử mùi hôi, mùi clo dư – khử khoáng, làm mềm nước – loại bỏ cặn lớn.
- Tinh lọc: gồm 1-2 cấp lọc bằng màng cartridge với khe rổng 5um-1um; có nhiệm vụ loại bỏ cặn nhỏ kích thước lớn hơn 1um.
- Lọc thẩm thấu ngược: dùng màng lọc theo công nghệ thẩm thấu ngược (RO) chỉ cho ra thành phẩm là H2O, các “vật thể lạ” khác bị tách ra khỏi nước và thải bỏ. Đây là công đoạn chủ yếu của quy trình sản xuất “nước tinh khiết”, các công đoạn trước chỉ nhằm hỗ trợ cho công đoạn RO hoạt động tốt và bền, vì giá của màng RO khá cao. Cần lưu ý tránh nhầm lẫn giữa màng RO với màng UF, NF vì chúng có "ngoại hình" rất giống nhau, nhưng công dụng của 2 loại kia chỉ là siêu lọc, vi lọc mà thôi.
- Điều chỉnh pH và bổ sung vi lượng khoáng chất: đây là công đoạn tăng cường dành cho quy trình sản xuất nước uống đúng nghĩa, bởi vì nước tinh khiết sau RO chỉ có H2O nên thiếu các khoáng chất có lợi cho cơ thể, độ pH có thể nhỏ hơn 7 và có vị lạt. Công đoạn này chỉ được sử dụng hóa chất dành cho công nghệ chế biến thực phẩm và phải được tinh lọc lại bằng màng có kích thước khe hở 0.1-0.2um.
- Tiệt trùng: đây là khâu cuối cùng rất quan trọng để xử lý vi sinh cho nước thành phẩm trước khi đóng bình đóng chai. Tiệt trùng qua 3 lần: lần 1 – dùng tia cực tím UV cho dòng nước trước khi vào bồn chứa; lần 2 – dùng khí ozone sục thẳng vào bồn chứa; lần 3 - dùng UV cho dòng nước chiết rót ngay trước khi vô bình đóng chai. Ozone cũng tiệt trùng như UV nhưng có thêm công dụng chống rong rêu cho nước lưu trữ lâu, giúp tăng thời hạn bảo quản sản phẩm. Cần lưu ý là, công đoạn tiệt trùng này sẽ vô nghĩa nếu như phòng chiết rót không đạt yêu cầu về vô trùng không khí cũng như tình trạng vệ sinh và sức khỏe của người tham gia sản xuất không đảm bảo, vệ sinh vỏ bình vỏ chai không đạt.
Vì thế, ngoài các công đoạn kỹ thuật của quy trình nêu trên, còn các yếu tố khác bị cho là phụ trong sản xuất nhưng lại có thể tác động rất nhiều đến chất lượng nước: - Điều kiện vệ sinh của nước nguồn khai thác;
- Điều kiện mặt bằng kho xưởng sản xuất;
- Cách thức vận hành quy trình xử lý nước;
- Tình trạng vệ sinh và sức khỏe của người tham gia sản xuất;
- Điều kiện bảo quản sản phẩm.
Tất cả những yếu tố này đều được Bộ Y Tế quy định chặt chẽ, vấn đề còn lại là mức độ tuân thủ của nhà sản xuất. Một quy trình thiếu một hay vài công đoạn nêu trên thì có thể sản xuất được nước đạt tiêu chuẩn chất lượng? - Không thể. Chỉ một ít ngoại lệ khi chất lượng nước nguồn quá tốt, hầu hết trường hợp thì câu trả lời là quá rõ – không thể sản xuất được nước uống đạt chất lượng bằng quy trình khiếm khuyết. Nhà đầu tư trang bị dây chuyền không hoàn chỉnh có thể vì: (1) thiếu vốn; hoặc (2) muốn bỏ ra ít vốn; hoặc (3) chọn nhà thầu không tư vấn đúng. Liệu quy trình với đầy đủ các công đoạn nêu trên thì có chắc chắn (luôn luôn) sản xuất được nước đạt tiêu chuẩn chất lượng? - Không chắc. Dây chuyền hoàn chỉnh mới chỉ là điều kiện cần, nên không chắc luôn luôn cho ra sản phẩm đạt chất lượng, vì phải thêm các điều kiện đủ nữa, đó là: - Chất lượng và tuổi thọ của vật tư thiết bị: nếu nhà đầu tư mua được đúng giá thì đừng quên câu nói “tiền nào của nấy” thường đúng, tuy nhiên nếu nhà đầu tư mua bị hớ thì hàng cao giá không hẵn có chất lượng tương xứng. Vì thế, có ý kiến cho rằng vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng thì không có công nghệ RO là không chính xác, bởi lẻ ai cũng biết vốn đầu tư liên quan đến quy mô công suất của hệ thống, chỉ với 100 triệu đồng bạn vẫn có được hệ thống RO chất lượng công suất 500L/giờ. Vậy nên, nhà đầu tư chỉ nên mua hàng tại những doanh nghiệp uy tín và có cung cấp đầy đủ chứng chỉ xuất xứ, chứng chỉ chất lượng hàng hóa;
- Năng lực nhà thầu: nhà đầu tư chọn được nhà thầu có năng lực chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tế nhiều sẽ giúp hướng dẫn vận hành hệ thống đúng và hiệu quả nhất;
- Vận hành của người sử dụng: cần vận hành hệ thống theo chỉ dẫn của nhà cung cấp, nghiêm túc tuân thủ lịch bảo trì bảo dưỡng (rửa lọc, hoàn nguyên,…), kịp thời thay thế vật tư thiết bị hư hỏng (đèn UV, ozone, màng lọc,…);
- Quản lý sản xuất: người phụ trách phải kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu trong dây chuyền, đảm bảo công nhân thao tác đúng kỹ thuật và luôn thực hiện đúng các quy định sản xuất, đặc biệt là sự tuân thủ các quy định về VSATTP;
- Tiêu chí kinh doanh: đối với các nhà sản xuất xem thương hiệu của mình là vấn đề “sống còn”, thì tất yếu sẽ rất quan tâm chú trọng đến chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường và đặt sức khỏe người tiêu dùng lên vị trí ưu tiên hàng đầu.
Có phải nước đóng bình đóng chai giá rẻ là kém chất lượng? - Không hẳn. Trường hợp này thì câu “tiền nào của nấy” chỉ đúng một phần, tùy theo nhãn hiệu nào. Giá bán do tính cạnh tranh của thị trường điều chỉnh, cộng thêm chính sách về mức lợi nhuận của từng nhà sản xuất. Đánh giá mắc rẻ chỉ là sự so sánh chủ quan dựa theo giá bán giữa các nhãn hiệu, chứ người tiêu dùng không thể dựa trên giá thành sản xuất thực sự - số liệu mà chỉ có nhà đầu tư biết ! Vậy, thay vì bảo rằng giá của nhãn hiệu này rẻ thì chúng ta có thể nói giá của nhãn hiệu kia mắc được chứ ? Qua những điều vừa trình bày, có thể nói, nhà sản xuất là nhân tố giữ vai trò quyết định đối với chất lượng nước đóng bình đóng chai thành phẩm. Nhà thầu tư vấn và cung cấp thiết bị chỉ tham gia ở giai đoạn đầu. Cơ quan chức năng quản lý chỉ có thể kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, còn khoảng trống giữa các lần kiểm tra thì sao ? – Chỉ cái tâm của nhà sản xuất mới định đoạt được chất lượng sản phẩm mà thôi. Là người tiêu dùng sáng suốt, bạn sẽ biết cách tự bảo vệ mình bằng đánh giá chọn lựa nhãn hiệu nào đáng tin cậy với sản phẩm chất lượng cao và giá hợp lý vậy. |