Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở sản xuất nước uống, thực phẩm… phải cách nguồn ô nhiễm (nghĩa địa, lò mổ, bô rác) từ 500m đến 1.000m. Nếu trong phạm vi này, buộc phải di dời. Riêng về nguồn nước ngầm, nếu khoan sâu 100m thì phải cách nguồn ô nhiễm ít nhất 300m, còn khoan sâu từ 35m trở lên thì cách 1.000m. Nguồn nước ngầm nếu nằm trong phạm vi không cho phép thì khó có thể xử lý sạch, an toàn. Sử dụng nguồn nước ngầm quá gần nghĩa địa sẽ rất nguy hại nếu không xử lý tốt. Khi xác người phân hủy, tạo ra chất hữu cơ và đạm. Đạm lại phân giải thành nitrat, thấm xuống nước và có khả năng gây ung thư cho người sử dụng. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, thành phần nitrat có trong nước phải dưới 10mg/lít mới đạt chuẩn. Tuy nhiên để xử lý nitrat có trong nước đúng chuẩn thì giá thành cao. Cũng theo quy định của Bộ Y tế về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, chế biến nước giải khát (trong đó có nước uống đóng chai) thì trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc với nước phải là loại chuyên dùng cho thực phẩm, không làm từ nguyên liệu bị rỉ, bị ăn mòn, không nhiễm các chất độc hại và khuếch tán mùi lạ vào sản phẩm. Trong quá trình chế biến phải có dụng cụ chuyên dùng để thu gom và chứa đựng rác thải. Phải có đường dẫn nước thải bên ngoài khu sản xuất tới bể chứa. Khu xử lý nước thải phải có nắp đậy, dễ tháo lắp. Các cơ sở phải có khu vệ sinh cách biệt với khu sản xuất. Người tham gia sản xuất vào khu vực sản xuất phải mặc trang phục riêng. Phải rửa tay, không ăn uống, không hút thuốc. Người làm việc ở khâu vô chai phải mang khẩu trang. Tay được vệ sinh, sát trùng để tránh lây nhiễm. Người trực tiếp tham gia sản xuất phải khám sức khỏe định kỳ sáu tháng/lần… |